Trường Nguyễn Huệ
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Chuyện Dây Cà ra Dây Muống

Go down 
3 posters
Tác giảThông điệp
Omely




Tổng số bài gửi : 255
Registration date : 06/11/2007

Chuyện Dây Cà ra Dây Muống Empty
Bài gửiTiêu đề: Chuyện Dây Cà ra Dây Muống   Chuyện Dây Cà ra Dây Muống EmptyTue Jul 03, 2012 11:25 pm


Mấy hôm nay cả gia đình tôi lang thang trên những con đường ở Sunriver, Oregon. Cảnh trí nơi đây vẫn còn hoang dã, nguyên sơ. Vùng này có nhiều hang động do núi lửa tạo nên, thỉnh thoảng giữa đường chúng tôi bắt gặp những ngọn đồi xám ngoét nham thạch và những thân cây cháy rụi. Xa xa là ba ngọn núi tuyết được dân địa phương gọi là Three Sisters nằm cạnh nhau. Tuyết lẫn vào những sóng mây trắng rực lên trong ráng chiều tạo nên một cảnh trí thật hùng vĩ , kỳ bí. Thiên nhiên tuyệt vời đến kinh ngạc, chẳng có bàn tay con người nào làm nên được những tác phẩm vĩ đại đó.

Rừng thông bạt ngàn khắp nơi. Tôi nhận thấy có rất nhiều củi thông khô vương vãi trên mặt đất. Ước chừng gom lại chắc chất lên được thành một quả núi không chừng. Tôi buột miệng: “Chà, chừ mà cho dân nghèo mình mót củi thông ni về mà chụm hí, sướng đã đời!” Ông xã tôi cười: “Lúc nớ thì củi khô hết mà cây cũng mọc lên hết nổi luôn.” Câu chuyện về mấy cây thông bỗng làm tôi nhớ lại những bó củi diêm thông người ta thường bán ngoài chợ vào cái thời 70s-80s. Bây giờ có tìm hết mấy cái chợ ở Huế cũng chẳng tìm được mấy bó củi đầy nhựa thông đó. Ngày đó ở thành phố người ta thường chụm củi để nấu nướng. Một số gia đình có mấy anh thanh niên thường đi cào lá thông trên đồi Thiên An đem về chụm. Ở nông thôn thì chủ yếu chụm bằng rơm và lá khô. Cái hình ảnh những đụn rơm vàng rải rác trên đường quê là một hình ảnh quen thuộc gắn liền với nông thôn Việt Nam. Nhìn vào kích thước của đụn rơm người ta có thể đo được mức độ sung túc của gia đình gia chủ. Đụn rơm to chứng tỏ nhà đó có ruộng lớn và lúa đầy bồ. Đụn rơm đó nhiều khi nấu đến khi giáp mùa vẫn không hết. Rơm mà cháy thì khỏi phải nói rồi, cứ là rần rật giống y như nam nữ lúc mới yêu nhau vậy. Bởi vậy dân gian mới có câu “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Riêng tôi thấy rơm gần lửa thì cháy bùng lên liền đợi chi đến “lâu ngày”. “Lâu ngày” là xui cho lửa gặp rơm úng, rơm ướt mà thôi.

Nhưng nấu với rơm cũng có cái bất tiện là người nấu phải ngồi riết bên cạnh bếp lửa để liên tục đưa rơm vào. Hồi nhỏ tôi hay về quê ngoài Quảng Trị chơi, mỗi khi chị Hoàng nấu ăn tôi hay quanh quẩn một bên để nói chuyện. Những lúc chị hết rơm hoặc bận tay, chị đưa tôi cây cời và nhờ tôi đừa rơm vào lò để lửa cháy cho đều. Thỉnh thoảng tôi được trúng mánh nếu chị cho mấy củ khoai hoặc hột mít. Mấy cái thứ đó mà vùi vô lửa tro thì ngon hết biết. Lấy củ khoai ra, phủi phủi lớp tro, nhiều khi không thèm lột cả vỏ tôi cho vô miệng cắn liền. Cái tội ham ăn nên cứ bị phỏng tay, phồng lưỡi mãi. Cái miệng ham ăn mà bập vào củ khoai mới ra lò có khi muốn rụng cả hàm răng. Mà không ham răng được, trẻ con mà suốt ngày có được cái kẹo cái bánh mô cho nên thấy cái chi cũng thèm hết. Mùa hè Quảng Trị nắng cháy da, nắng vàng cả con mắt, cây trái chi nhìn cũng quắt queo. Thỉng thoảng tôi cũng đi vặt ổi, vặt mận để ăn cho đỡ ghiền. Mãi cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ cái vị chát của ổi và vị chua của mận còn đọng lại trên lưỡi. Những bữa ăn trưa hoặc ăn chiều phần lớn là bắp tím hầm ăn với nước ruốc pha loãng, sang lắm thì cơm độn ăn với canh dưa hường hoặc bầu khô xào. Trong cái “bối cảnh” ẩm thực không lấy chi làm sáng sủa đó, giấc mơ “khoai lang vùi” trở nên lung linh, mời gọi hơn bao giờ hết. Sẽ không công bằng nếu tôi không đề cập đến một thứ trái cây mà đến tận bây giờ tôi vẫn thèm ăn, nhất là trên xứ Mỹ này – trái mít. Ở quê thì mít ê hề, đến mùa mít nhà nào cũng thơm lừng, đi đâu cũng được mời ăn mít. Nắng càng hung thì mít càng ngọt. Tôi ăn nhiệt tình đến nỗi bỏ cả bữa cơm. Mà hột mít vùi tro ăn cũng ngậm ngùi không kém chi khoai nướng, chỉ tội cho bá quan văn võ nào quanh quẩn gần tôi khoảng hai tiếng sau đó. Bom xú quân sự quá lắm cũng chỉ thúi đến thế mà thôi. Hột mít mà đem phơi khô rồi hấp thiệt bùi thì ăn cũng khoái khẩu vô cùng, cả rổ bự mà ngồi lần khân một hồi là hết ráo.

Hồi học cấp ba tôi hay vào nhà bà dì trong Tây Linh ở lại chơi. Trong vườn nhà có mấy cây mít cho trái rất ngon. Tôi thích nhất cây mít mọc cạnh mái hiên phía trước sân nhà. Những trái mít lúc lỉu đeo trên thân cây ngay tầm tay với của mình nhìn thật thích mắt. Lúc trái mít đã bự lên, cả bầy con nít tụi tôi suốt ngày lượn qua, lượn lại, đi ngang vỗ một cái, đi về vỗ một cái rồi chắc lưỡi: “Răng mà hắn lì ri hè?” Ông nội của MiMi, chị em bạn dì với tôi mỗi lúc thấy tụi tôi rờ tay vô trái mít là la lên: “Mấy đứa bây đừng phá nghe, coi chừng hắn héo luôn đó.” Nhà vườn của Huế mình lúc nào cũng có mái hiên trước khá rộng, kê thêm bộ phản gỗ dày cui nữa. Mùa mít chín, gần đến hè, tôi nằm ê a học bài trên bộ phản đó, thỉnh thoảng lấy chân cào cào vô mấy cái gai mít thật là thích. Thực ra mít ít khi chín cây, phần lớn là được hái sớm một vài ngày để trong nhà cho đến khi mít toả hương ngào ngạt là đem ra mổ. Có lúc mình hái vô hơi sớm thì phải chêm cọc, còn không nó sẽ sống nhăn hoặc bị chín héo. Trong các loại mít, tôi thích nhất là mít dừa mặc dù nó không ngọt đậm đà bằng mít nghệ. Ở Huế mình còn có trái mít tố nữ nhỏ xíu, mỗi lúc rút ruột ra là bao nhiêu múi trong trái mít đều đeo vô hết nơi cái cùi. Mít tố nữ có cái vị hơi chua chua, chứ không ngọt thuần như mấy loại mít kia. Người ta thường nói trái mít xài được hết, không hề bỏ phí một thứ gì. Ngoài múi mít và hột mít mình thường ăn không cần bàn tới rồi, xơ mít thường được phơi khô để kho với cá nục. Cùi mít và cái đợn nấu chung với cám heo, còn cái vỏ mít, tưởng vô dụng, hoá ra cũng được tận dụng để làm cái bàn quỳ cho mấy thằng “trời đánh thánh vật.”

Bây giờ ở trên xứ Mỹ này mít xem như được liệt vào hàng cao lương mỹ vị. Chợ Việt Nam ở Oregon bán $1.99 một pound vào mùa đông, còn mùa hè thì $1.49 một pound mà là bán nguyên trái, không bao ăn. Ráng bấm bụng mua một trái về, hết ít nhất là $30 nhưng nhiều lúc ăn dở ẹc. Nhắc chuyện mít mới thấy cái số phận khác nhau của những trái mít – hiện tại mít nhà quê vẫn còn rẻ rề, mít ở Huế đắt hơn một chút nhưng chưa thể nào sánh ngang hàng với lê, táo, mít Sài gòn nếu thuộc loại mít tuyển được lọc ra thành từng múi bán tại lề đường gần lăng Ông – Bà Chiểu giờ này ít nhất cũng phải hơn 50 ngàn một ký, còn mít Mỹ thì khỏi phải bàn rồi – đắt còn hơn cá salmon fillet.

Tôi chập chững tập học nấu ăn bắt đầu khoảng lớp ba; Mới đầu là tập nấu cơm, sau đó là tập luộc rau, nấu canh rau và đổ chả trứng. Ba tôi dạy tôi cách nấu cơm. Nấu cơm ngon hay không tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố: trước hết là gạo, gạo mới thì chắc chắn phải ngon rồi; Sau đó là cái nồi – nhà tôi có cái nồi bằng gang, cơm nấu trong cái nồi đó ít khi bị cháy và đặc biệt lớp cháy dưới nồi rất là giòn. Lớp cháy đó mà thêm vô một chút tóp mỡ nữa thì ôi thôi rồi, có nước mà rụng răng cả hàm; Cuối cùng là phải biết canh lửa, lửa lúc đầu phải bùng to để cơm mau sôi, không bị sình, lúc cơm sôi rút hết nước thì phải có hơi nhiều than mà ủ cho cơm chín đều, than ít quá thì cơm sẽ bị sống (cơm tám rưỡi chứ chưa được chín) còn than mà nhiều quá thì cơm khê. Nấu cơm khê thì bao nhiêu công sức nấu nướng cả buổi coi như đổ sông đổ bể hết vì nhà buôn bán như nhà tôi kiêng ăn cơm khê, sợ bán ế.

Bà dì út của tôi dạy tôi cách um tôm để nấu canh rau. Dì dặn phải canh lửa lúc cho hành tím vào kẻo hành cháy là mất ngon. Tôi sợ nhất là lúc bỏ ớt bột vào, ớt gặp dầu nóng xèo xèo lên, nếu không đổ tôm vào kịp thì ớt cháy khét đen thui luôn. Nồi canh sau đó vừa hôi khét vừa xấu xí. Nhà tôi ở khá gần chợ nên mẹ tôi hay sai tôi chạy ù ra chợ mua đồ về nấu ăn. Thường thì cũng có nhiều gánh hàng bán dạo trước nhà - tôm, cá, rau rán chi cũng có. Chỉ tội thiếu đồ màu và mấy thứ đồ lặt vặt khác. Trước khi thả cho tôi đi chợ một mình, mẹ tôi đã vài lần dắt tôi đi thực tập, chỉ cho tôi cách trả giá ở chỗ hàng tôm, hàng cá, hàng rau. Nhiều bà hàng cá nói thách thấy ớn, trả giá kiểu chi cũng bị hố. Nếu đi chợ sớm sớm một chút, mình hay được họ mời mua mì-xưa (mở hàng). Những lúc đó họ bán có nới hơn một chút để mong lấy cái vía đầu ngày: “Cái ni O bán mì xưa cho con đây nì, O bán rẻ rồi đó nghe, con đừng trả giá nữa mà tội nghiệp O.” Mỗi lần nghe rứa là tôi gật luôn cho nó khoẻ vì tôi tin là họ nói thật. Nhưng thỉnh thoảng cũng có mấy người nhìn mấy cái mặt non choẹt cỡ tụi tôi nên mặc dù bán mì xưa (hoặc giả bộ kêu bán mì xưa) cũng hét giá lên trên trời. Đi chợ càng ngày càng kinh nghiệm nên tôi phải cố mà phân biệt cho được mấy trường hợp đó. Có nhiều O, nhiều mệ bán hàng rất dễ thương, lúc mô cũng nói thiệt cho mình dễ mua. Tôi cứ hay tìm đến họ để mua cho nó nhẹ nhàng, tôi khỏi phải trả giá, còn họ thì khỏi nói thách, mất khách.

Tôi vẫn còn nhớ người ta thường bày cá, tôm thành từng mớ trên những cái khay tròn đan bằng tre. Bước ra chợ tôi thường rảo nhanh một vòng xem người ta có thứ gì, có khi tôi đứng sau lưng mấy người lớn xem người ta trả giá, thấy được thì tôi kêu bán luôn cho tôi giống y như vậy. Thỉnh thoảng tôi cũng bị mấy bà hàng cá khó chịu, già mồm chưởi với theo vì trả rẻ quá. Tôi cắm đầu đi thẳng và tự hứa lần sau không bao giờ ghé vô cái hàng đó lại. Những lúc mua được mớ tôm, mớ cá tươi mà rẻ là tôi thấy vui lắm vì về nhà chi cũng được khen.

Hàng rau thì dễ trả giá hơn. Ở chợ Đông Ba có mấy sập rau lớn bán đủ loại rau. Thường ở mấy sập rau này họ hay có bán măng chua dưa hường. Tôi thấy hình như chỉ có ở Huế mình người ta mới thêm dưa hường vào thau măng chua, những nơi khác chỉ thấy mỗi măng mà thôi. Bên cạnh mấy hàng lớn là mấy gánh rau nhỏ hơn của mấy O, mấy chị có ít vốn hoặc hái rau trong vườn nhà đem bán. Tôi thích mua rau của mấy người bán nghiệp dư này, trông họ thật thà và tội tội làm sao. Nhắc đến rau tôi lại thấy thèm rau tập tàn, thứ rau mà tôi chỉ được ăn ở Huế mà thôi. Trong mớ rau đó có khoảng 5, 7 loại rau khác nhau trộn chung với nhau – một ít mồng tơi, một ít rau ngót, rau sam, đọt bí, một ít đọt lang, một ít đọt dền, … và một vài loại mà tôi không biết cụ thể là cái giống gì. Rau tập tàn nhìn sơ qua thì giống như là rau nhà nghèo nhưng xem kỹ lại thì toàn là những vị thuốc quý. Mùa hè ở Huế nóng và khô, phần lớn là có gió lào, buổi trưa mà được húp chén canh rau tập tàn nấu với tôm tươi thì còn chi sướng bằng. Màu nước canh hồng hồng do có mấy lá rau dền, thêm màu hồng cam của mấy con tôm rằn nữa trông thật bắt mắt, nói đến đây tự nhiên tôi thấy khát nước quá trời. Bên cạnh rau tập tàn, món rau muống luộc chấm nước mắm ruốc cũng khoái khẩu không kém. Luộc rau cho xanh và vừa chín tới cũng là cả một nghệ thuật mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa học được cho ra hồn. Tôi luộc rau 10 bữa thì hết 7 bữa là rau đen bầm và dai nhách hoặc mềm xèo. Nước rau lúc luộc xong, cho thêm muối vào, để nguội còn hơi hẩm hẩm là vắt chanh vô. Tô nước rau đang có màu xanh đậm, có chút chanh vô là trong veo một màu xanh nhìn là thấy muốn húp liền. Thôi tôi không dám nhắc thêm đến tuyệt chiêu rau muống nữa kẻo nàng Minh ở New York lại khóc hức lên vì thèm.

Nhắc đến món canh mùa hè mà không đề cập đến canh cá bống thệ là một thiếu sót lớn. Cá bống mua về còn tươi rói, sau khi đánh vảy và ướp đồ màu một hồi thì um lên rồi thả thơm và hành, ngò, rau răm vào. Chỉ đơn giản thế nhưng chao ôi là ngon. Nồi nước canh ngọt vị của cá, chua chua vị của thơm và hơi nồng nồng vị hành lá và rau răm. Cá bống cơm tươi thịt trắng và mềm, ruột hơi đắng, có thể ăn luôn cả xương. Buổi trưa đi mô về mà có tô canh cá bống cùng một dĩa mắm dưa hoặc mắm cà thì hết sảy. Ôi chao, lại chép miệng vì nhắc đến món mắm đây. Ở chợ Đông Ba, nếu đi theo con đường dọc bờ sông, ngay khoảng giữa chợ, đoạn nhà lồng, có mấy mệ bán mắm ngon hết chỗ chê luôn. Mỗi mệ sở hữu khoảng 30 thau mắm khác nhau. Tôi không thể nhớ hết tên mắm mà cũng chưa thử hết mấy cái thau đó nên không kể tên hết được. Chỉ biết là hàng mắm nào cũng không thể thiếu mắm nêm (nuốt nước miếng cái ực), mắm dưa, mắm cà, mắm cá cơm, mắm cá trích, tôm chua, tép chua, … vào ngày 14, ngày rằm, ngày 30, mùng 1, mấy mệ tranh thủ làm thêm thau chao và thau dưa món để bán. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ mùi chao Huế, nó béo mà không mặn, rất vừa ăn, chứ chẳng mặn chát và nồng mùi rượu giống như chao tàu. Thau chao của mấy mệ nhiều lúc ủ hơi già ngày nên bắt đầu ngả sang màu xám đen, chao đó mua về phải ăn liền chứ để thêm một hai ngày là phải đem đi đổ. Người ghiền ăn chao thích ăn mấy loại chao thúi đó hơn là mấy loại chao vừa chín tới hoặc chao chưa đủ ngày.

Những buổi tối mùa hè chợ Đông Ba rực ánh đuốc của phiên chợ cá muộn, phần lớn là cá nục hoặc cá lầm tinh tươi. Lúc vào mùa, cá nục và cá lầm tinh rẻ giống như cho. Người bán phải nài nỉ dữ lắm thì người ta mới mua vì thực ra nhà mô cũng ăn nhiều nên đâm ngán. Cá nục nhí mà hấp lên, cuốn với rau sống, chủ yếu là cải con và chấm với mắm nêm thì ngon không chi sánh bằng.

Hồi đó nhà ai cũng nghèo tới độ không bao giờ mua nổi nguyên một chai nước mắm, chai xì dầu, hay nguyên một bịch bột ngọt để ăn dần trong nhà. Mỗi ngày đi chợ đều phải mua những thứ đồ màu cần dùng trong ngày. Mua đồ màu cũng phải tìm những chỗ quen mà mua. Đi chợ nhiều hoặc nghe người này người kia kháo nhau là sẽ biết hàng nào bán rẻ hơn để mua. Tôi nhớ một chút xíu bột ngọt khoảng nửa muỗng cà phê mất khoảng vài hào gì đó. Ớt bột, tiêu, hành tím, tỏi,… đều phải mua lẻ. Tôi thích nhất là mua đường bánh đen để kho cá. Nếu hên gặp được cục đường hơi bự là về đến nhà âm thầm cắn bớt đi một miếng. Nhiều lúc thèm quá cắn vài lần là xem như cục đường chỉ còn lại chưa tới một nửa, đến lúc đó mới giật thót cả mình vì chắc chắn sẽ bị la. Trong tất cả các thứ đồ màu chỉ có mỡ heo là được mua nhiều mà thôi. Hồi đó không ai có khái niệm nấu với dầu ăn. Chiên xào gì cũng dùng mỡ heo, còn dầu phụng thì hôi lắm. Mỡ heo lúc mới rán xong, nhìn những miếng tóp mỡ vàng rượm trong chảo chỉ muốn thò tay vô bốc. Con nít thèm quá thì được mẹ cho một vài miếng tóp mỡ ăn cho đỡ ghiền một chút, còn bao nhiêu phải cất lại để ăn dần. Nhiều bữa cả nhà chỉ có mỗi chén nước mắm tóp mỡ, nghèo tới độ không sắm nổi một con cá gỗ để nhìn nó mỗi lúc và cơm vào miệng và tưởng tượng mình đang ăn cá tươi.

Mùa hè nấu ăn thì không có vấn đề gì, chỉ hơi nóng một tí. Nhưng vào mùa đông việc đi chợ, nấu ăn thì chẳng lấy gì làm vui thú. Trời thì lạnh ngắt mà mưa thì dai dẳng, lúc ào ào, lúc lâm râm, mặc cái áo tơi vô, xăng quần lên lội vô cái chợ sình lầy hôi thúi thật là ngán ngẩm. Mấy bó diêm thông rẻ vậy mà cũng không dám mua để nhen lửa. Thay vào đó ba tôi xin mấy cái lốp xe đạp người ta vứt đi rồi cắt nhỏ ra thành từng dung dài khoảng 10 – 12 cm để nhen lửa mỗi ngày. Tiết kiệm được chút tiền nhưng vỏ lốp xe đạp mỗi lần đốt lên là khói đen um cả bếp, mấy cái muội than cao su bay lơ lửng khắp nơi, bám vào áo quần là khó lòng mà giặt ra lắm. Vào mùa hè nhà tôi có cái sân thượng phơi củi rất là đã, củi khô rang, chỉ cần nhen sơ là củi đã bén rồi. Nhưng vào mùa đông, củi mua về ướt nhẹp, không có chỗ phơi nên mỗi lần nấu ăn là một cực hình; Củi nhen mãi không đỏ, phải ngồi một bên thổi lửa suốt, nồi cơm nhiều lúc bị sình lên luôn. Vì lý do đó có rất nhiều gia đình thiết kế cái bếp có một cái giàn sắt bên trên rồi để củi lên, lấy hơi nóng của bếp lửa để sấy khô củi. Tôi còn nhớ mỗi lúc bị lở miệng (lở mồm long móng) tôi nghe lời người lớn lấy bọt củi bôi lên chỗ lở. Mau lành mô không thấy chỉ thấy rát ơi là rát lúc mới bôi vào.

Già rồi nên sinh ra cái tật nói thiên tung chi mang, mở đầu nói chuyện ngày nay rồi dây cà ra dây muống lại quay về với ngày xưa. Thực ra những mẩu chuyện này lúc nào cũng nằm sâu trong ký ức của tôi và tôi chắc các bạn cũng có những ký ức tương tự như thế. Cũng may cái thời đó mình còn nhỏ nên mình không ý thức được cái khổ vì nhìn quanh ai cũng khổ như nhau. Chỉ tội cho mấy bậc phụ huynh, trước giải phóng ai cũng ăn sung mặc sướng, tự dưng đâm ra khổ nên sinh lòng bất mãn. Tưởng tượng mình làm cha làm mẹ mà nhìn con cái thiếu thốn thế chắc là đau lòng lắm. Cuối cùng thì cũng “cam tận thái lai”, mấy cái chuyện vừa nhắc lại chỉ còn là ký ức, kể lại cho mấy đứa con nghe chơi cho biết, chứ tụi nó chưa hề biết đói đến một bữa. Phải chăng lứa tụi mình vụng tu nên sinh ra nhầm thời, thời bơ sữa không chịu chui ra đợi thời “bo bo cơm độn” lại mò ra làm chi nên bây chừ nhìn cái mặt mô cũng mang hình lựu đạn.

Portland tháng 7, 2012
Về Đầu Trang Go down
ngaythangdaqua

ngaythangdaqua


Tổng số bài gửi : 442
Age : 36
Location : +84
Registration date : 27/11/2007

Chuyện Dây Cà ra Dây Muống Empty
Bài gửiTiêu đề: hi!   Chuyện Dây Cà ra Dây Muống EmptyMon Jul 23, 2012 1:09 pm

viêt chi tiêt thêm ti nưã là trở thanh cuôn bí kip nâú nhưng mon ăn ngon nhât moị thơì đaị
Về Đầu Trang Go down
http://www.thieuvechai.com.vn
bi128




Tổng số bài gửi : 1
Registration date : 25/07/2012

Chuyện Dây Cà ra Dây Muống Empty
Bài gửiTiêu đề: Hi!   Chuyện Dây Cà ra Dây Muống EmptyWed Jul 25, 2012 3:06 pm

Sad
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





Chuyện Dây Cà ra Dây Muống Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chuyện Dây Cà ra Dây Muống   Chuyện Dây Cà ra Dây Muống Empty

Về Đầu Trang Go down
 
Chuyện Dây Cà ra Dây Muống
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» CHUYỆN GÌ SẼ XẢY RA KHI TAN ... HỘI NGỘ
» Những chuyện tình đầu đời
» Vỹ ơi 12/4 buồn quá có muốn chuyển hộ khẩu ko
» Chuyện trên xe buýt
» chuyện về rượu

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Trường Nguyễn Huệ :: Tuyển tập các bài viết của cựu học sinh Trường Nguyễn Huệ, khóa 1985-1988 :: Các thể loại khác-
Chuyển đến