Trường Nguyễn Huệ
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Xóm cũ thượng thành

Go down 
4 posters
Tác giảThông điệp
Omely




Tổng số bài gửi : 255
Registration date : 06/11/2007

Xóm cũ thượng thành Empty
Bài gửiTiêu đề: Xóm cũ thượng thành   Xóm cũ thượng thành EmptyMon Sep 27, 2010 12:57 pm

Tuần đến lại quay về với chuỗi ngày bận rộn bài vở. Tranh thủ viết mấy dòng về xóm cũ, bạn cũ, ... Mấy bạn đọc xong rồi share chuyện xóm mình cho mọi người cùng nhớ hỉ

=======================================================================================


Thời gian học cấp 2 và cấp 3 tôi ở nhà nội trên đường 68, trong con hẻm cạnh bên Nhà thương nhỏ. Nhắc lại cái xóm nhỏ đó tôi nhớ hết không sót một ai. Xóm chỉ có khoảng trên dưới hai mươi gia đình và có nhiều con nít cùng chung độ tuổi. Gia đình bác Duệ ở xéo xéo nhà tôi có mấy anh chị học rất giỏi, nhà bác Liêm ngay đầu xóm cũng vậy, còn tôi thì chẳng ai kèm cặp nên lêu lổng, la cà suốt ngày. Tóm lại, nhà nào có cha mẹ đi dạy thì con cái được kèm cặp đàng hoàng, còn những gia đình buôn gánh bán bưng thì “sống chết mặc bây”, lo miếng ăn còn chưa xong lấy đâu ra mà nhắc nhở chuyện học hành. Xóm tôi không có nước máy, nhà nào cũng phải gánh nứơc để xài hàng ngày. Tôi bắt đầu tập gánh nước hình như từ năm lớp sáu nếu tôi nhớ không lầm. Lớp sáu thời đó còn bé tí tẹo nên thùng nước lặc lè lê gần sát mặt đường. Lúc đầu tôi và đứa em gái để thùng nước ở giữa, hai chị em côn hai đầu đòn gánh. Nước trong thùng chỉ khoảng một nửa. Ít lâu sau hai chị em tăng lên gánh đầy thùng. Sợ nước trong thùng sóng sánh ra ngoài theo mỗi nhịp chân, tụi tôi hay bẻ lá bên đường bỏ vào thùng, bẻ riết cái cây hoàng hậu ở góc đường không còn ngọn lá nào.

Thấy bạn bè cùng lứa gánh nước điệu nghệ quá, tôi cũng tập tành gánh hai đầu cho giống người ta. Tôi tự nhủ mình:”Họ làm được thì mình cũng làm được”. Tập từ từ rồi cũng đến lúc tôi gánh được nguyên cả hai thùng nước to đùng. Thùng nhôm của người ta thấp hơn, nhẹ hơn nên người ta gánh rất nhẹ nhàng. Đôi thùng của tôi do ba tôi đặt làm hàng đặc biệt, tôn dày, đã vậy còn trét thêm một lớp dầu hắc để xài cho bền, đâm ra đôi thùng của tôi cũng nặng đặc biệt. Chúng trường kỳ chinh chiến, không cho tôi cơ hội thay thùng khác, và vì thế tôi không thể đi dự thi hoa hậu dù chỉ là cấp xóm do tầm vóc hết sức khiêm tốn của mình.

Đi gánh nước cũng có nhiều chuyện để kể lắm. Hồi đó cả mấy xóm quanh quanh chỉ có mỗi một một cái giếng nhà ông thợ mộc ở góc đường Nguyễn Chí Thanh và Ngô Đức Kế là có thể xài được. Gần đó hình như có một cái giếng khác nhưng nước đục và chủ nhà lại khó tính nên không ai đến xin. Mạch nước ở giếng nhà ông thợ mộc rất mạnh và rất trong. Nhiều lúc nhiều người cùng đến múc nước, giếng sẽ cạn hẳn đi. Nhưng chỉ chịu khó đứng chờ một lúc thì nước lại dâng lên. Một vài lần tôi bị đứt sợi dây gàu, tôi thường hay lấy sợi dây sơ-cua có cái móc sắt ở một đầu mà ông thợ mộc để gần đó để móc cái gàu lên. Có khi xui xẻo, móc hoài vẫn không trúng, thế là tôi đợi 12 giờ trưa đứng bóng, mặt trời rọi xuống tận đáy giếng, cái gàu của tôi nằm chình ình ra đó, tôi chỉ việc đưa cái móc sắt tới và kéo lên một cách dễ dàng. Nhắc đến giếng và gàu, tôi thường hay nhớ đến câu ca dao mà cô giáo việt văn của tôi thường hay dùng để minh hoa lối nói ví von:

Em tưởng nước giếng sâu
Em nối sợi gàu dài
Ai ngờ giếng cạn,
Em tiếc hoài sợi dây

Khoảng cách từ nhà tôi đến giếng cũng không phải gần, với tôi lúc kĩu kịt hai thùng nước trên vai, quãng đường đó sao mà xa ngái! Đã thế đường đi lại không bằng phẳng, đường đi xuống giếng thì dễ dàng vì đổ dốc nhẹ, hai cái thùng không trên vai nhẹ hều đung đưa; đường đi lên thì ngược lại, hai thùng nước đã nặng mà còn phải leo dốc, gánh nước mà y như đang luyện công phu thiếu lâm vậy. Cứ cách ngày tôi gánh khoảng bốn đôi nước và dĩ nhiên trong nhà xài nước rất tiện tặn. Một bữa tôi đang ráng gân ráng cổ tha đôi thùng nước thì gặp một thằng bạn thân học chung lớp trường Nguyễn Du đi ngang. Hắn lên méc với cả lớp là hắn thấy tôi gánh nước mà miệng thở phì phò, mặt cắt không còn một giọt máu.

Gánh nước một thời gian thì tôi có một anh chàng xóm trên liếc mắt đưa ghèn. Hình như hắn cùng tuổi với tôi. Một ngày hắn táo tợn gởi cho tôi một mảnh giấy gấp nhỏ. Mở ra đọc tôi suýt nghẹn vì bức thư tình đầu tiên của tôi với nét chữ vụng về bắt đầu bằng hai chữ “Kính thưa…”. Chao ôi một sự khờ khạo trẻ con làm sao! Từ đó tôi tránh gặp mặt anh chàng đó, thấy hắn là tôi lảng đi chỗ khác. Dù sao thì hắn cũng là người khác phái tỏ tình với tôi lần đầu tiên trong đời. Tôi còn nhớ con trai hồi đó cũng có mấy anh chàng rất dạn dĩ, cứ đạp xe tò tò sau lưng mấy em rồi kêu:” Lan! Huệ! Hoa! Liên! Hồng! Hường! Thắm! …” cứ kêu đại có khi rùa rùa cũng trúng. Mỗi lúc như vậy tôi mắc cười quá, nhịn không được đành phì cười, thế là anh chàng reo lên:”Cười rồi thấy không, rứa là đúng tên rồi!”. Lần khác thì gặp một anh chàng giả bộ đạp xe theo hỏi đường, chàng ta hỏi đường ra cửa Thượng tứ, tôi chỉ nó nằm sau lưng mặc dù nó nằm phía trước mặt. Biết tôi không phải dễ bị lừa, anh chàng cười cười, đi theo một đoạn rồi biến. Tôi xí vậy mà còn có người đi theo, huống chi mấy bông hoa biết nói khác chắc suốt ngày lo xua ong, đuổi bướm thôi cũng đủ hết hơi.

Hồi đó không hiểu sao gần như toàn bộ con nít trong xóm tôi thích ra chơi ngoài chùa Phước Điền ngay dưới chân cầu Đen (cầu sắt), ngay trên con đường về trường Gia Hội. Chùa do một ông sư trẻ làm trụ trì. Sư rất vui vẻ, điềm đạm, thích chơi với mấy đứa con nít. Hầu như mỗi ngày tụi tôi đều chạy ra chùa, nhất là vào mùa an cư kiết hạ, dịp đó tụi con nít đuợc nghỉ hè. Tụi tôi khoái chạy ra chùa để cúng cơm qua đường và được ăn trong chùa luôn. Thỉnh thoảng chùa tổ chức lên đàng chẩn tế, khỏi phải nói, tụi tôi lê lết ở đó không bỏ sót một tiết mục nào. Tôi không nhớ cơ duyên nào đã đưa chúng tôi đến với sư thầy, chỉ nhớ đó là khoảng thời gian rất dễ thương của cả bọn. Những đêm trăng, trời nóng nực, tụi tôi chạy ù qua chùa chơi đủ thứ trò trong sân chùa, đến lúc thầy nhắc về mới nhớ là mình đã chơi lâu quá rồi. Hồi đó, cha mẹ không quản lý con cái chặt chẽ như bây giờ, tụi tôi tha hồ vui chơi mà ít khi bị la rầy. Nghĩ lại thấy Huế của mình hiền thiệt. Ngôi chùa đó hình như không phải do giáo hội quản lý mà là nhà của một ông thầy khác đã ra đời, lấy vợ nhưng thầy vẫn cạo đầu, kinh kệ. Sư trẻ không hiểu sao lại vào tu trong chùa đó. Điều mắc cười là cả nhà thầy già gồm hai vợ chồng và một bầy con đều ở trong chùa. Trong bầy con của thầy có một anh chàng bị bệnh down, anh chàng hay nhập bọn chơi với tụi tôi. Thấy mặt anh khờ khờ nhưng nói chuyện khôn dễ sợ. Sợ nhất là lúc ổng le lưỡi ra “biểu diễn”, cái lưỡi không hiểu sao mà có nhiều đường nứt kẽ chân chim y như đồng ruộng mùa khô hạn.

Một thời gian sau không hiểu nguồn tin lan từ đâu mà tất cả chúng tôi chuyền tai nhau một câu chuyện bất lợi cho sư trẻ. Ai đó kể là hồi nhỏ, lúc sư còn là một chú tiểu, sư được hoà thượng trụ trì kêu đi bán nhang để tạo thu nhập cho chùa. Sư lấy bớt tiền bán nhang để ăn bánh đúc chấm mắm nêm. Tụi tôi đâm ra nghi ngờ hạnh kiểm của sư thầy. Cả bọn xôn xao chuyện đó và đột ngột không thèm ra chùa nữa. Chẳng hề tìm hiểu câu chuyện đó đúng hay sai, cả bọn đồng loạt quay lưng lại với sư một cách lạnh lùng rất trẻ con. Sau ba bốn ngày không thấy đứa nào ra chơi, sư đi bộ vào trong xóm, đi ngang nhà kêu tên từng đứa. Tôi đứng nấp trong nhà không ló mặt ra, đợi lúc sư đi ngang mới nhìn lén theo. Kêu một hồi không thấy đứa nào xuất hiện, sư đành ra về. Sau đó sư trở lại một lần nữa và cũng phải ra về trong sự im lặng đáng ngờ của cả xóm. Nghĩ lại tôi thấy tụi tôi thật bậy, khi không làm tổn thương sư vì một câu chuyện không rõ thực hư. Sau này sư về làm trụ trì ở một chùa dưới Bãi Dâu, tôi có về thăm sư một lần nhưng tảng lờ không nhắc lại chuyện cũ.

Ở xóm đó tôi đi chợ Xép. Buổi sáng khoảng 10 giờ là le te cầm cái rổ nhập bọn đi chợ. Đi chợ về, nấu ăn xong là chạy qua nhà hàng xóm chơi. Tôi thích nhất là những lúc lang thang trên thượng thành, tìm mấy trái bát bát để chơi đồ hàng. Tụi tôi ngâm hột bưởi trong nước, để cách đêm cho nước trở thành nhờn nhờn làm món chè đậu ván; lá cẩn thì vo lại rồi xắt thành sợi để làm bún, gạch non thì mài ra làm ớt; … Óc sáng tạo của con nhà nghèo thật phong phú. Trong xóm tôi chơi thân với một chị bạn hơn tôi hai lớp. Chị ở với ông bà ngọai và phụ bà ngoại dán bì giấy để đem ra chợ bán. Chị làm bì giấy rất giỏi, hai thay trét hồ, gấp, dán thoăn thoắt. Lên chơi với chị tôi cũng trở thành chuyên gia dán bì giấy lúc nào không hay. Lên đến cấp ba, có thời gian tôi ra ở ngoài nhà ngoại nhưng ngày nào tôi cũng tranh thủ chạy vô nói chuyện ba dẻm với chị. Hồi đó sao lúc nào tôi cũng thấy đói, vào nhà chị là được chị đãi món cơm chiên. Nhà chị cũng nghèo, thậm chí còn nghèo hơn nhà tôi, nhưng cơm nguội lúc nào cũng có. Công nhận chị chiên cơm ngon thiệt, nó xoa dịu cái bao tử cồn cào của tôi nên tôi nghĩ nó còn ngon hơn cao lương mỹ vị của mấy nhà giàu. Đúng là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”! Nhà chị còn có cây cóc, cây mận và cây ổi. Nhiều bữa hết cơm nguội, hai chị em mò ra sau vườn kiếm mấy trái non ăn tạm. Ui cha, bụng đói mà ăn thêm trái cóc chua, bụng dạ tôi cồn cào, nhộn nhạo, khó chịu không thể nào diễn tả được. Hoàng hôn xuống, tụi tôi leo lên bờ thành ngồi nhìn trời, nhìn trăng, nhìn người qua lại trên chiếc cầu nhỏ ngay sát cửa Đông Ba, nhìn nhà thiên hạ sống dọc theo bờ hồ, nhìn mấy con diều người ta thả trên cao, nhìn người ta chèo chiếc thuyền tôn nhỏ xíu đi hái rau muống, ngửi mùi bùn cũng như mùi sen từ dưới hồ theo cơn gió thoảng lên… rồi tìm một cái gì đó vui vui để cười. Tụi tôi ngày nào cũng gặp nhau nhưng không hiểu sao lúc nào cũng có chuyện để nói, Hai chị em tâm đầu ý hợp, cứ đeo nhau như sam, ví như ngày nay thì họ đã phán cho là bị ô môi. Nhiều bữa tôi ham nói chuyện, giựt mình thấy trăng lên, ngắm mặt trăng mới nhô lên to đùng, vàng ươm, nấn ná một lúc nữa mới chịu chạy về nhà. Cái khung cảnh thanh bình ấy lưu giữ mãi trong ký ức của tôi, mà cho dù giờ này có quay về chốn cũ tôi cũng không thể nào tìm lại được.

Lên cấp ba, tụi tôi còn khắng khít nhau hơn. Nào truyện, nào nhạc, nào thơ, nào là những vụ liếc mắt đưa ghèn, nào những chuyện thâm cung bí sử của phe con gái, … chuyện chi mà lắm rứa không biết. Chị vẫn tiếp tục làm bì giấy hàng ngày sau giờ đi học về, còn trình độ làm bì của tôi cũng ngày càng hoàn thiện hơn. Thời gian đó hai đứa tôi cũng dần dần thân thiết với một chị bạn hơn tôi sáu tuổi, nhà ở gần bến xe Nguyễn Hoàng. Chị lớn nhất nên tôi kêu là chị cả. Chị cả thật ra là dì họ của một đứa bạn cùng lớp hồi cấp 2, chị cũng học đàn ở chỗ thầy Mẫn cùng với tôi nên hai chị em biết nhau. Chị cả biết tính tôi ham ăn đồ ngọt nên mỗi lần nhà chị có giỗ là chị giấu riêng chè đậu xanh đánh, mít, nhãn, bánh in,… rồi kêu tụi tôi ra “nhậu”. Tôi cũng thèm món bột ngũ cốc mà chị thường cất trong tủ để phòng những lúc đói bụng. Chị hay kêu tôi là “cái con hư hốt”. Vào phòng chị, tụi tôi nằm lăn trên cái giường gỗ, mở nhạc từ cái cassette nhỏ màu đỏ lên nghe. Không nghe nhạc thì tụi tôi ôm đàn ra hát. Có bữa ba đứa rống to bài hát “Không, không, tôi không còn yêu em nữa,..” của Nguyễn Ánh Chín và thu vào băng cassette. Sau này mỗi lúc mở ra nghe lại là tụi tôi ôm bụng cười bò vì thấy mình điên quá. Chị cả là thợ may mới ra nghề, thỉnh thoảng kiếm được mấy đồng là kêu tụi tôi đi ăn chè hoặc ăn bánh mì. Thời đó có tiền ăn vặt là sang lắm. Buổi chiều mùa đông ở Huế trời xám xịt buồn bã, mưa lâm thâm, cả thành phố lờ đờ, buồn chán. Ai cũng co ro, xuýt xoa than lạnh, nhưng ba đứa tôi vẫn chịu khó lang thang đi bộ, nói chuyện trên trời, dưới đất. Đi ngang lò mì ở đầu chợ Xép (hình như nó vẫn còn tồn tại đến bây giờ), tụi tôi sắm ba ổ mì nhỏ xíu, nóng hổi. Tôi dám tuyên bố là trên đời không có chi ngon bằng ăn bánh mì nóng lúc trời thì lạnh, mà bụng thì đói. Tụi tôi lang thang đi dọc theo đường Mai Thúc Loan, rẽ vào đường Phượng bay và chui vào trong Đại nội. Đại nội trong chiều mưa: tiêu điều, hoang vu, nỉ non cho một thời vàng son oanh liệt. Mặc kệ, tụi tôi cứ việc leo lên ngai, gặm khúc bánh mì và tưởng như mình đang là những bậc mẫu nghi thiên hạ. Thi thoảng tụi tôi kéo ra sau trường Quốc gia âm nhạc thăm người bạn của tôi ở nội trú trong trường. Nhìn mấy anh chàng đang tập thổi kèn váng tai nhức óc, hoặc mấy anh đang ọ e đàn nhị, tôi quyết sau này không chứa mấy anh chàng như vậy trong nhà.

Tôi vẫn còn nhớ một mẩu chuyện với bà chị làm bì giấy. Chị không biết đạp xe đạp cho đến lớp 12. Sau đó chị hay dùng xe đạp của tôi để tập, khi chị biết đi rồi tôi hay để chị chở. Một lần hai chị em đi đâu đó, đến ngang ngã tư Đinh Tiên Hoàng và Đặng Dung chị mất đà không chịu đạp dấn lên. Đúng lúc đó một chiếc xe cyclo lao tới rất nhanh từ phía cửa Thượng Tứ, thế là chị đâm ra quýnh quáng, không biết tiến hay lùi, cứ đứng chình ình ngay ngã tư. Chiếc xe cyclo theo đà cứ lao đến. Ầm! Hai đứa tôi chỏng cọng giơ que, cộng thêm hai rổ trứng vịt bể tung toé. Anh chàng đạp xe cyclo còn trẻ (gặp mấy bác cyclo già già thì mô đến nỗi!) mặt mày đỏ bừng, nhìn hai rổ trứng vịt mà lòng tái tê, chàng ta bất cần mình là nam nhi đại trượng phu, sấn đến bắt đền hai chị em tôi. Tôi cũng điếng người, tiền đâu ra mà đền bi chừ? Rồi chẳng hiểu ai truyền sức mạnh cho mà bà chị của tôi nhảy chồm lên, ráng gân ráng cổ mà cãi. Tôi thấy đúng là mình có lỗi vì cứ đứng chần chừ giữa đường. phía bên kia thì anh chàng phóng cyclo quá nhanh, anh cũng có một phần lỗi (Chở trứng vịt mà làm như đang đua xe không bằng). Một đám đông chẳng mấy chốc bao quanh chúng tôi, chủ yếu là thanh niên. Tụi tôi được mấy anh bênh vực rồi mở đường biểu tụi tôi biến. Tôi và bà chị luýnh quýnh đạp xe chạy đi khỏi chỗ đó. Cách đó chỉ một đoạn ngắn là nhà một người bạn, hai đứa tôi chui vô tìm nơi trú ẩn. Tim hai đứa đập thình thình vì chưa hoàn hồn và phần khác sợ anh chàng cyclo đi theo để “rửa hận giang hồ”. Đến giờ cứ mỗi lần nhớ đến chuyện đó là tôi thấy tội nghiệp cho anh chàng cyclo vô cùng, chẳng qua hồi đó “bần cùng” mới sinh “đạo tặc” như thế.

Chuyện xóm cũ đại loại như thế. Người trong xóm tứ tán bốn phương tám hương, bạn bè cùng lứa với tôi rất nhiều người thành công. Thỉnh thoảng tôi ghé về thăm xóm vì tôi vẫn còn gia đình ông chú sống ở đó. Mình già đi thì xóm cũng già và trở nên bé nhỏ. Một vài gia đình ở đó vẫn còn nhận ra tôi. Tôi giữ liên lạc với hai chị bạn thân, cuộc sống của tụi tôi bây giờ mỗi đứa mỗi cảnh nhưng hễ có dịp gặp nhau là ngồi ôn lại chuyện cũ. Những câu chuyện cũ mà không bao giờ cũ vì mỗi lần đem ra kể tụi tôi lại thêm một chút gia vị thời gian cho nó mang một hương vị mới. Bây giờ trong mớ ngôn từ của tụi tôi, những từ như “dĩ vãng”, “quá khứ”, “kỷ niệm”, “hoài niệm”, … đã chiếm hơn một nửa. Những câu chuyện hôm qua đều đã đựơc chia ở thì quá khứ. Đã qua bên dốc kia của cuộc đời chưa? Tôi hoài nghi tự hỏi. Có lẽ là đã.

Về Đầu Trang Go down
Bati




Tổng số bài gửi : 568
Registration date : 31/10/2007

Xóm cũ thượng thành Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Xóm cũ thượng thành   Xóm cũ thượng thành EmptyTue Sep 28, 2010 1:19 am

Hmmmm, hèn chi tau thấy cái mặt mi quen quen....chừ thì nhớ ra rồi... lúc "bà già" tau sinh tau ra ở nhà thương nhỏ, tau nhìn ra cửa thấy con mô đứng ở ngoài "địa hàng" của tau....thì ra là mi hí....
Ê TQ tau nghĩ mi nên bỏ học ở nhà ngồi viết ra những chuyện phá làng phá xóm của mi trước đây cho bà con đọc coi bộ có lý hơn mi ơi...cám ơn nghiều!
Về Đầu Trang Go down
ngaythangdaqua

ngaythangdaqua


Tổng số bài gửi : 442
Age : 36
Location : +84
Registration date : 27/11/2007

Xóm cũ thượng thành Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Xóm cũ thượng thành   Xóm cũ thượng thành EmptyTue Sep 28, 2010 3:14 am

.


Được sửa bởi ngaythangdaqua ngày Sat Nov 06, 2010 2:18 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
http://www.thieuvechai.com.vn
Omely




Tổng số bài gửi : 255
Registration date : 06/11/2007

Xóm cũ thượng thành Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Xóm cũ thượng thành   Xóm cũ thượng thành EmptyTue Sep 28, 2010 4:00 am

[quote="Bati"]Hmmmm, hèn chi tau thấy cái mặt mi quen quen....chừ thì nhớ ra rồi... lúc "bà già" tau sinh tau ra ở nhà thương nhỏ, tau nhìn ra cửa thấy con mô đứng ở ngoài "địa hàng" của tau....thì ra là mi hí....

Tau ở sát bên nhà thương nhỏ nên thằng cu mô lọt ra cũng qua tay tau check hàng hết. Hàng mi chắc kém chất lượng nên tau không giữ lại đó.
Về Đầu Trang Go down
Omely




Tổng số bài gửi : 255
Registration date : 06/11/2007

Xóm cũ thượng thành Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Xóm cũ thượng thành   Xóm cũ thượng thành EmptyTue Sep 28, 2010 4:01 am

[quote="ngaythangdaqua"]Qua câu chuyện ,chỉ cảm nhận hai bà chị mô mà dễ mến quá,giới thiệu đi TQ ![/quote

Hai bà chị dễ thương vô cùng. Một bà tuổi con dê, một bà tuổi con rồng. T có muốn thì tui giới thiệu.
Về Đầu Trang Go down
hoangnam




Tổng số bài gửi : 96
Registration date : 11/01/2008

Xóm cũ thượng thành Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Xóm cũ thượng thành   Xóm cũ thượng thành EmptyTue Sep 28, 2010 8:13 am

"Thấy mặt anh khờ khờ nhưng nói chuyện khôn dễ sợ. Sợ nhất là lúc ổng le lưỡi ra “biểu diễn”, cái lưỡi không hiểu sao mà có nhiều đường nứt kẽ chân chim y như đồng ruộng mùa khô hạn."


=> Cai' luoi*~ ni co' giong^' cai' luoi*~ bo` liem^' TQ luc' hoi^. ngo^. o*? Cali ko ?
Về Đầu Trang Go down
Bati




Tổng số bài gửi : 568
Registration date : 31/10/2007

Xóm cũ thượng thành Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Xóm cũ thượng thành   Xóm cũ thượng thành EmptyThu Sep 30, 2010 12:48 am

TQ, mi mà có ấn tượng thì thằng Phúc hắn cạo đầu mi ra liền...
Nam, mi gan hí, dám nhắc tới cái chuyện mi hớt tay trên của thằng Phúc hí
Về Đầu Trang Go down
Omely




Tổng số bài gửi : 255
Registration date : 06/11/2007

Xóm cũ thượng thành Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Xóm cũ thượng thành   Xóm cũ thượng thành EmptyThu Sep 30, 2010 12:00 pm

Tau ngu chi ma nói ra là có ấn tượng hay không hè? "Sống để dạ, chết mang theo" thôi!

Về Đầu Trang Go down
Bati




Tổng số bài gửi : 568
Registration date : 31/10/2007

Xóm cũ thượng thành Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Xóm cũ thượng thành   Xóm cũ thượng thành EmptyFri Oct 01, 2010 9:14 am

oh, hèn chi mi nói là không có ấn tượn ha....Ê, bà chị dán bao giấy của mi có chồng chưa, nếu chưa thì giới thiệu cho anh Tây tề.....bà chị bến xe NH của mi cũng rứa, có chồng chưa, nếu có rồi thì có con gái không, giới thiệu luôn cho anh Tây đi....để cái thằng nớ ăn rồi cứ vác thượng phương bảo kiếm đi vòng vòng hoài à...
Về Đầu Trang Go down
ngaythangdaqua

ngaythangdaqua


Tổng số bài gửi : 442
Age : 36
Location : +84
Registration date : 27/11/2007

Xóm cũ thượng thành Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Xóm cũ thượng thành   Xóm cũ thượng thành EmptySun Oct 17, 2010 1:26 am

.


Được sửa bởi ngaythangdaqua ngày Sat Nov 06, 2010 2:18 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
http://www.thieuvechai.com.vn
Omely




Tổng số bài gửi : 255
Registration date : 06/11/2007

Xóm cũ thượng thành Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Xóm cũ thượng thành   Xóm cũ thượng thành EmptySun Oct 17, 2010 2:09 am

[quote="ngaythangdaqua"]Tìm mãi không thấy cái giêng nào?? Hồi đó cả mấy xóm quanh quanh chỉ có mỗi một một cái giếng nhà ông thợ mộc ở góc đường Nguyễn Chí Thanh và Ngô Đức Kế là có thể xài được.

Hình như cái giêng đó là góc đường NGUYỄN CHÍ DIỄU Và NGÔ ĐỨC KẾ thì phải ![/quote

U hinh nhu la vay. Q khong nho do la Nguyen chi Dieu hay nguyen chi thanh nua. Du sao thi 2 ong do cung co ba con voi nhau. Ma sao T biet cai gieng do vay? Di rinh may em tam gieng a?
Về Đầu Trang Go down
ngaythangdaqua

ngaythangdaqua


Tổng số bài gửi : 442
Age : 36
Location : +84
Registration date : 27/11/2007

Xóm cũ thượng thành Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Xóm cũ thượng thành   Xóm cũ thượng thành EmptySun Oct 17, 2010 10:52 pm

.


Được sửa bởi ngaythangdaqua ngày Sat Nov 06, 2010 2:19 am; sửa lần 1.
Về Đầu Trang Go down
http://www.thieuvechai.com.vn
Bati




Tổng số bài gửi : 568
Registration date : 31/10/2007

Xóm cũ thượng thành Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Xóm cũ thượng thành   Xóm cũ thượng thành EmptySat Oct 23, 2010 1:39 am

mần răng mà không trúng được, hắn hay đi tắm để người ta rình mà....
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





Xóm cũ thượng thành Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Xóm cũ thượng thành   Xóm cũ thượng thành Empty

Về Đầu Trang Go down
 
Xóm cũ thượng thành
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Trường Nguyễn Huệ :: Tuyển tập các bài viết của cựu học sinh Trường Nguyễn Huệ, khóa 1985-1988 :: Các thể loại khác-
Chuyển đến