Trường Nguyễn Huệ
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.



 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Tiếng khóc trong giờ văn

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 50
Registration date : 21/10/2007

Tiếng khóc trong giờ văn Empty
Bài gửiTiêu đề: Tiếng khóc trong giờ văn   Tiếng khóc trong giờ văn EmptyMon Oct 29, 2007 9:08 pm

TIẾNG KHÓC TRONG GIỜ VĂN (Đặng Hiển)

Tiếng khóc trong giờ văn 22982910

"Ca dao là tiếng hát trái tim người lao động, thể hiện những tình cảm yêu thương nồng thắm mà cao đẹp của họ như tình yêu đất nước quê hương, tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi... Đăc biệt xúc động là những câu ca dao thể hiện tình mẹ con mênh mông, thiết tha, sâu nặng, lòng thương con vô hạn của người mẹ Việt Nam. Tình mẹ như nước trong nguồn..., mẹ Việt Nam khi thương đã "bên ướt mẹ nằm, bên ráo nhường con", chẳng may người chồng mất sớm, người mẹ đã ở vậy suốt đời để nuôi con khôn lớn. Bà đã hy sinh cả hạnh phúc tuổi trẻ của mình vì thương con, thương đứa con côi cút đã mất bố bây giờ nếu mẹ đi lấy chồng lại thêm mất mẹ. Hãy nghe người mẹ ấy ru con:

Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai.


Cơn mưa "bong bóng" là cơn mưa dài lâu dứt... Hình ảnh cơn mưa ở đây không còn là thể hứng mà chính là tâm trạng, là cơn mưa của cuộc đời, cơn mưa trong lòng mẹ, nó cuốn đi cái hạnh phúc đang chờ mẹ ở ngoài kia, ngay ở bên song cửa".

Hình ảnh người mẹ trong vở kịch "Lá sầu riêng" hiện trước mắt tôi. Người mẹ vừa ru con vừa khóc, ngoài ngõ có một người đàn ông đang đứng chờ chị. Quá giờ hẹn đã lâu rồi mà người mẹ ấy vần ngồi ôm con khóc và người đàn ông ấy đã ra đi, vĩnh viễn ra đi... Người mẹ ở lại, hy sinh tình yêu, hạnh phúc và tuổi trẻ của mình cho tuổi thơ của con, cho cuộc đời của con...

Tôi đang tập trung phân tích và minh họa câu ca dao với tất cả sự hòa cảm của lòng mình cùng nhân vật trữ tình thì có tiếng khóc nấc lên ở bàn đầu. Tôi nhìn xuống, thấy một em bé nhất lớp đang gục đầu xuống bàn, hai vai nhỏ cứ run lên. Tôi dừng lời giảng, dự đoán có lẽ em gái cũng ở trong hoàn cảnh của đứa con trong bài ca dao (tôi mới nhận lớp nên chưa biết rõ hoàn cảnh của các em). Cùng lúc đó có nhiều tiếng thút thít ở các bàn chung quanh như một sự lan truyền.

Tôi không giảng tiếp câu ca dao, cũng không hỏi gì, chỉ lặng lẽ chuyển sang mục khác.

Sau giờ dạy, tôi hỏi cán bộ lớp vì sao em Nga lại khóc - tên em bé ấy là Bùi Thị Nga. Các em cho biết bố Nga đã mất được dăm năm. Mẹ Nga ở vậy nuôi ba chị em Nga. Tôi tìm hiểu thêm thì biết mẹ Nga là giáo viên, bố Nga là cán bộ HTX bị mất vì tai nạn. Nga là con thứ hai, có chị học lớp 12 và em trai đang học cấp II. Nga học giỏi, năm cấp II đã được thi học sinh giỏi văn ở huyện, ở tỉnh.

Tôi thấy thương Nga quá và muốn bù đắp phần nào cho sự thiệt thòi của em. Tôi tự hứa sẽ quan tâm đến Nga, giúp đỡ Nga trở thành học sinh giỏi ở cấp III. Và tôi đã ghi lại điều tâm nguyện ấy trong bài thơ "Lời không ghi trong giáo án".

"Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng em ở với ai"
Trước mắt tôi một cơn mưa dài không dứt.
Một người mẹ ru con tiếng chìm tiếng nấc.
Một cơn mưa nước mắt ở trong hồn.
Tràn lên nỗi cô đơn và lòng thương con của chị.
Cả lớp lặng đi...
có một em bé nhất.
Đôi vai gầy nức nở cứ run lên.
Tôi biết mình không thể giảng gì thêm...
Và từ phút ấy trở đi...
Thầm cất lên trong tôi lời gì thiêng liêng trang trọng lắm.
Lời không ghi trong giáo án.


Năm đó, tôi tổ chức thi học sinh giỏi văn ở lớp, Nga được vào đội tuyển. Ngoài những buổi bồi dưỡng chung, tôi còn cho Nga mượn tài liệu và chỉ dẫn thêm. Tôi cho Nga được ưu tiên đến mượn sách ở tủ sách riêng của tôi bất cứ ngày nào trong tuần (các bạn khác trong đội tuyển phải theo lịch chung).

Nga học ngày càng xuất sắc. Giữa năm lớp 11, Nga đã viết được những bài tiểu luận khó trong đó có bài: Phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyên Hồng. Bản tiểu luận này đã được trình bày ở Hội nghị chuyên đề Văn học hiện thực 1930-1945 của lớp, được các bạn trong lớp hoan nghênh nhiệt liệt và được giáo sư Nguyễn Hoành Khung về dự khen ngợi là một bài viết "có văn".

Năm thứ nhất, năm thứ hai, Nga đều là sinh viên tiên tiến. Tôi mừng cho Nga và cũng thấy vui là mình đã thực hiện được phần nào lời hứa với chính mình từ giờ giảng văn ấy.

Nhưng giữa năm thứ ba, đúng lúc Nga đang chuẩn bị đi thực tập sư phạm, thực hiện mơ ước làm cô giáo, ước mơ mà Nga đã ấp ủ từ ngày bé, thì một tai nạn khủng khiếp giáng xuống cuộc đời em: Nga lâm bệnh hiểm nghèo. Bệnh viện và gia đình hết sức cứu chữa, bạn bè cũng hết lòng chăm sóc nhưng Nga không qua khỏi được và đã mất khi mới bước sang tuổi 19.

Kỷ niệm về Nga thì nhiều và vẫn ở trong tôi nhưng trong bài này, tôi chỉ nhắc đến giờ giảng văn "Trời mưa bong bóng phập phồng...". Chính tiếng khóc nấc của em khi nghe tôi phân tích câu ca dao ấy đã tác động mạnh vào tâm hồn tôi, để hiểu sâu hơn thế nào là văn học, thế nào là giảng văn và thế nào là người thầy giáo dạy văn. Và tôi đã làm theo điều tôi đã suy ngẫm, đã tâm niệm từ kỷ niệm thân thương và đau buồn về một em học sinh xấu số mà tôi thầm coi như đứa con của mình như tôi đã viết trong ngày vĩnh biệt em:

Ta đã không làm được như điều ta muốn
Người trò giỏi này ta mong nhận là con
Chỉ khi cuộc đời em ngã xuống
Ta mới gọi "Con ơi!". Tiếng gọi nghẹn trong hồn...


Nga mất, tôi buồn trong nhiều ngày. Tôi được an ủi đôi phần khi nhận được thư của Mai Trinh, hơn một tháng sau. Bức thư có đoạn viết:"... Riêng em, em đã chứng kiến nhiều hơn những gì mà thầy đã dành cho Nga - người bạn đã khuất của em. Và biết rằng điều đó đã làm bạn em vui sướng như thế nào!... Em nghĩ rằng em mang tình thương yêu của mình và của Nga nữa đến với học sinh của em...". Và Mai Trinh đã làm như thế. Cô hiện là một giáo viên văn đầy triển vọng của trường THPT Hoài Đức B. Cô đang thực hiện ước mơ của mình và của người bạn đã khuất.

Một điều bất ngờ là cùng thời gian với bức thư của Trinh, tôi nhận được thư của cô giáo Thủy, mẹ Nga. Người mẹ tột cùng đau khổ này đã cám ơn tôi về tình cảm tôi dành cho Nga. Người mẹ can đảm ấy còn an ủi người thầy giáo của con mình. Bức thư có đoạn viết: "Cháu Nga đã ra đi, cướp đi công lao của thầy đã vun trồng cho cháu. Nghĩ lại những ngày qua, em thấy thật là khủng khiếp nhưng em đã tròn nhiệm vụ của mình như khi ở ngoài viện thầy đã căn dặn. Em đã làm cho cháu Nga an tâm điều trị và vui vẻ sống những ngày cuối của đời cháu. Em xin thành thật cám ơn thầy đã quan tâm đến cháu và đến gia đình em. Mặc dù cháu Nga không đền ơn trả nghĩa thầy nhưng sẽ có hàng nghìn học trò khác sẽ thay Nga trả nghĩa thầy...".

Cô giáo Thủy đã cho tôi hiểu sâu sắc thêm tấm lòng của người mẹ Việt Nam. Là một thầy giáo dạy văn, tôi phải cám ơn cô vì điều đó.


Nghệ thuật ứng xử sư phạm
NXB Đại học sư phạm
Về Đầu Trang Go down
https://nguyenhue.forumotion.com
 
Tiếng khóc trong giờ văn
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Có ai trong tình trạng giống mình ko?
» Thừa Thiên - Huế trong bão lụt ,,,
» trường nguyễn huệ trong tôi
» DANH SÁCH VÀ SỐ PHONE CỦA CÁC BẠN TRONG LỚP
» Hinh anh cac ban trong khoa....8588

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Trường Nguyễn Huệ :: Tuyển tập các bài viết của cựu học sinh Trường Nguyễn Huệ, khóa 1985-1988 :: Truyện ngắn-
Chuyển đến